Thủy Nguyên từ xa xưa đã được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đây sơn thủy hữu tình, vừa có đồng bằng, lại có cả núi đồi, sông biển, đây lại là đầu mối giao thương giữa các trung tâm và vùng kinh tế, do đó có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Người dân Thủy Nguyên được nuôi dưỡng và bồi đắp bởi một nền văn hóa mang tính vùng miền nổi trội, cũng bởi vậy mà đời sống tinh thần của người dân nơi đây rất đa dạng, phong phú. Đây cũng chính là nền tảng để xây dựng các thế hệ người dân Thủy Nguyên đoàn kết, gắn bó, luôn tích cực lao động, sản xuất và có tinh thần yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Tinh thần yêu nước đó được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời kỳ các vương triều phong kiến tồn tại đến thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, và ngày nay là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủy Nguyên vẫn luôn đoàn kết một lòng, cùng nhân dân thành phố và nhân dân cả nước hoàn thành thắng lợi nhiều nhiệm vụ cách mạng quan trọng, làm nên những truyền thống quý báu mà lớp lớp người dân Thủy Nguyên hôm nay và mai sau vẫn mãi tự hào, đó là truyền thống Thủy Nguyên anh hùng quật khởi.
Sau khi đánh chiếm Hải Phòng, mờ sáng ngày 7-2-1947 (18-1 Đinh Hợi), giặc Pháp đã huy động hải, lục, không quân từ Hải Phòng chia làm nhiều mũi đánh chiếm Thủy Nguyên. Lực lượng gồm 600 tên, có máy bay, tàu chiến và pháo binh phối hợp. Chúng dùng máy bay dẫn đường cho các mũi hành quân và pháo binh, cho tàu chiến bắn súng lớn vào các làng xã ven sông. Trước và trong khi tiến công, chúng bắn đại bác từ Hải Phòng sang yểm trợ cho các mũi tiến quân và vào những nơi diễn ra trận đánh quyết liệt.Ngay từ đầu, các mũi tiến quân của địch đều vấp phải sức chiến đấu quyết liệt của lực lượng vũ trang và nhân dân ta. Dân quân tự vệ dựa vào làng chiến đấu, phối hợp tác chiến chặt chẽ với bộ đội. Trận đánh quyết liệt nhất diễn ra ở khu vực cầu Xưa. Tại đây, ta tổ chức đào hào, đắp ụ, bố trí lực lượng, chọn làm điểm quyết chiến. Nhiều gia đình ở An Lư đã dỡ nhà, đem cột nhà, giường tủ, bàn ghế, chặt tre, gỗ để xây dựng trận địa. Trước sự hung hăng càn quyết, bắn giết, trả thù của giặp Pháp, Huyện ủy Thủy Nguyên tổ chức hội nghị cán bộ toàn huyện, kiểm điểm cuộc chiến đấu. Căn cứ vào đặc điểm tình hình, Huyện ủy quyết định giải thể tiểu đoàn Quang Trung, lựa chọn gần 100 chiến sĩ để thành lập một đại đội mang tên người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Để đối phó với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, Huyện ủy chủ trương đưa cán bộ, đảng viên về vùng địch tạm chiến “Bám đất, bám dân” khôi phục cơ sở; củng cố lực lượng vũ trang, tiến hành diệt tề, trừ gian, đẩy mạnh đánh du kích. Đến tháng 7-1947, hầu hết các xã, liên xã trong huyện đều có chi bộ Đảng. Hoạt động vũ trang được đẩy mạnh nhằm giữ vững khu căn cứ núi đá phía Bắc và phục hồi cơ sở kháng chiến. Ngày 5-5-1947, quân Pháp cho một tiểu đoàn từ Núi Đèo lên càn quét khu vực Phù Ninh. Bộ đội phối hợp với một một tiểu đội công an huyện cùng dân quân, tự vệ Phù Ninh chặn đánh địch ở đầu làng Việt Khê. Trận chiến diễn ra rất ác liệt, một số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh.
Tháng 3-1947, Chính phủ quyết định Thủy Nguyên về trực thuộc tỉnh Quảng Yên, cũng từ đó, sự chỉ đạo của cấp trên đối với Thủy Nguyên cả về tư tưởng và tổ chức có những biến đổi lớn. Từ tháng 6-1947, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh Quảng Yên đã quyết định điều động một loạt cán bộ của tỉnh về Thủy Nguyên để kiện toàn tổ chức, tăng cường sự lãnh đạo của cấp huyện; đồng thời kiện toàn lại tổ chức bộ máy cấp xã. Sau khi tổ chức từ huyện đến các xã được kiện toàn củng cố, từ cuối năm 1947, Huyện ủy quyết định: Tất cả cán bộ huyện, xã còn ở khu căn cứ Lỗ Sơn, Nhị Chiểu phải vào hết nội địa Thủy Nguyên bám đất, bám dân, tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân, xây dựng tổ chức cơ sở kháng chiến thật sâu rộng tới các thôn, xóm...
Kể từ giữa 1947 đến quý I – 1948, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và UBKCHC huyện, chi bộ Đảng – UBKCHC các xã đã lãnh đạo dân quân du kích, công an kết hợp với lực lượng vũ trang của huyện lần lượt tiêu diệt gần hết những tên tề ngụy gian ác, còn một số tên sống sót đều phải chạy lên đồn bốt địch. Nhân thời cơ bọn tay sai hoang mang dao động, ta đã tranh thủ giáo dục, thuyết phục, đồng thời đưa người của ta vào những chỗ khập khiễng sơ hở. Vì vậy thời gian này, ta đã nắm chi phối, điều khiển được hầu hết bộ máy hội tề của địch từ làng xã đến các tổng trong toàn huyện.
Đến tháng 1-1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phá hội tề”, Tỉnh ủy Quảng Yên đã cụ thể hóa, hướng dẫn các huyện, xã thực hiện chỉ thị của Trung ương. Đầu tháng 10-1948, Hội nghị Huyện ủy mở rộng đã được triệu tập và ra quyết định: “Phát động phong trào nhân dân toàn huyện, quật khởi nổi dạy phá tề trừ gian, thực hành chiến tranh du kích giành quyền làm chủ…”. Dưới sự lãnh đạo thống nhất của Huyện ủy, đêm 20-10-1948, để thăm dò tình hình địch, lực lượng vũ trang và nhân dân tiến hành bắt một số tề, ngụy đầu sỏ, tước vũ khí của lính Bảo an ở các khu vực trọng điểm, thu được 97 khẩu súng, kết quả bước đầu này đã tạo được khí thế sôi nổi trong quần chúng nhân dân. Đêm 24, rạng sáng ngày 25-10-1948, cuộc tổng phá tề chính thức bắt đầu. Ban Chỉ đạo ra lệnh cho bộ đội, dân quân khu kích phối hợp và làm nòng cốt cho nhân dân toàn huyện nổi dạy giải tán các ban tề, tước vũ khí của lính bảo an, bao vây, tiến công đồn địch. Tiếng trống, tiếng chiêng cùng với tiếng hô khẩu hiệu, hò reo của dân chúng náo động khắp huyện. Bộ đội, du kích xã bao vây, kêu gọi binh lính địch ở các vị trí ra hàng; tập kích đồn giặc. Bộ máy tề bị giải tán ở 82 thôn xã. Nhiều tên gian ác bị bắt. Tiếp các ngày sau, mọi người nô nức đi phá đường chặn giặc tiếp vận, giải tỏa các đồn bốt, phá hoại đường Si – Quảng Cư, Thanh Lãng - Phi Liệt, phá sập cầu Vũ Sơn, đường máng nước, cắt đường dây điện thoại từ Núi Đèo đến bến Đoan… Nhiều nơi dựng cổng trào, căng biểu ngữ chào mừng thắng lợi. UBKCHC và đoàn thể các xã ra hoạt động công khai. Một số xã Lâm Động, Dương Quan, Hoàng Pha còn lập trụ sở, treo cờ. Tính đến ngày 28-10-1948, hơn 100 binh lính địch ra hàng, ta thu được 125 súng và nhiều loại vũ khí khác.
Cuộc tổng phá tề bằng vũ trang kết hợp với quần chúng nổi dạy cùng lúc trong toàn huyện làm cho địch hết sức bất ngờ, hoang mang. Bộ máy tề ngụy và hệ thống Bảo an bị xóa, nhiều binh lính bỏ ngũ. Nhân dân và quân du kích trong huyện tích cực đào hầm hào, rào làng chiến đấu, tạo thế trận liên hoàn giữa các xã, tổ chức tuần tra, canh gác sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sản xuất, hội họp, học tập văn hóa. Tinh thần kháng chiến của nhân dân Thủy Nguyên trong những ngày Tổng phá tề được báo Cứu Quốc, ngày 6-12-1948 biểu dương: “Tại Hồng Quảng, toàn thể nhân dân Thủy Nguyên đứng lên giết giặc, dân chúng vác cờ đi diễu phố, đàn bà cầm đòn gánh đánh Tây, máng dẫn nước vào thành phố bị phá, hơn 100 binh lính địch đem 100 súng trở về hàng ngũ”. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh gửi tập ảnh lãnh tụ về tặng Thủy Nguyên và đánh giá: “Việc phá tề toàn huyện Thủy Nguyên, từ ngày 20 đến 17-1-1948 và việc đột kích vào Hà Nội đã góp phần không cho địch tập trung quân và rảnh tay đối phó…”
Cuộc nổi dạy “Tổng phá tề, trừ gian tiến công đồn bốt địch giành quyền làm chủ” trong những ngày cuối tháng 10-1948 có ý nghĩa vô cùng to lớn, là niềm tự hào, là khúc ca hùng tráng về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, bất khuất kiên cường của nhân dân Thủy Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng để giữ vững thành quả cách mạng, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân. Truyền thống 25-10-1948 là mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành, phát triển vững chắc của phong trào cách mạng Thuỷ Nguyên trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp, góp phần buộc thực dân Pháp phải thi hành hiệp định Giơnevơ, giải phóng thành phố Hải Phòng và giải phóng toàn miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là nguồn sức mạnh to lớn, cổ vũ động viên Đảng bộ và nhân dân Thuỷ Nguyên chủ động tự tin trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và bảo vệ Tổ quốc trong suốt chặng đường dài của lịch sử quê hương.