1. Bạo lực trẻ em là gì?
Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em (Khoản 6, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016).
2. Thực trạng về bạo lực đối với trẻ em
* Tại toạ đàm “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em” do TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 9/7/2014 cho biết: Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi năm cả nước xảy ra 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó có khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục được phát hiện. Mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện (kể cả xâm hại tình dục). Gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.
Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
3. Nguyên nhân
- Nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... bắt nguồn từ việc, các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc.
- Trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn rất kém, nhiều người làm cha mẹ không hiểu, biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định và liên tục vi phạm.
- Hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em.
- Việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em hiện nay của chúng ta còn thụ động, thiếu tính phòng ngừa, nhiều vụ việc khi xảy ra nghiêm trọng, báo chí nêu lên, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, lên tiếng.
4. Các kiểu bạo lực trẻ em:
- Bạo lực thể chất
- Bạo lực tinh thần
* Bạo lực về mặt thể chất:
- Dùng sức mạnh của cơ thể để tấn công nạn nhân: tát, đấm, đá, cào, cấu, cắn, bẻ quặt cánh tay, nắm tóc đập đầu vào tường, quật ngã, bóp cổ, vv…
- Ném vật cứng hoặc các thứ bẩn thỉu, hôi thối độc hại vào mặt, vào người nạn nhân, vv…
- Dùng roi, gậy, dây để đánh đập hoặc trói xích nạn nhân, vv…
- Bắt nạn nhân phải ăn đói, mặc rách, ở khổ và đau ốm không được chữa trị.
* Bạo lực về mặt xã hội là bạo lực tinh thần:
- Cấm nạn nhân không được ra khỏi nhà, cấm giao tiếp với người ngoài và cấm liên hệ bằng điện thoại với người khác.
- Bóc thư riêng của nạn nhân để xem, lục soát người, phòng riêng, tủ riêng của nạn nhân dù không được nạn nhân đồng ý, hoặc theo dõi hay cho người theo dõi mọi hành vi của nạn nhân.
- Không cho nạn nhân học thêm, đi làm hoặc hoạt động xã hội.
- Độc quyền quản lý, chiếm hữu và sử dụng tiền, tài sản riêng của nạn nhân hoặc chung của gia đình và sử dụng một cách tùy tiện theo ý riêng của mình.
* Bạo lực tình dục đồng thời cũng là bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần:
- Đe dọa, khống chế trẻ em, cưỡng dâm trẻ em.
Em muốn tự tử vì bị mẹ chửi bới, sỉ nhục (Thư của cháu bé 16 tuổi đã gửi thư tâm sự, bày tỏ ý định muốn bỏ nhà ra đi và xin lời khuyên):
“Em thật sự rất buồn, đau khổ vì người mẹ của mình, em mới 16 đã bị mẹ em đánh đập, chửi vã, sỉ nhục, em đau đầu nhiều khi muốn tự tử chết cho xong, nhưng em thương ba, em gái, chị gái của mình. Mẹ em đánh em, sỉ nhục em một cách quá đáng em thực sự không chịu nổi. Mẹ em có tính giận cá chém thớt vì một chuyện bực tức nào đó mà có thể sẵn sàng mang em ra chửi, đánh mà không một chút thương xót.
Bản thân của em đã phải chịu biết bao nhiêu chuyện đau buồn mà em không thể kể được với ai. Áp lực trong học tập, trong cuộc sống hàng ngày cũng đủ để làm em muốn vỡ tung đầu ra. Em đau khổ có nhiều đêm em khóc vì tủi thân, cô đơn, không người quan tâm tới mình. Em ghét mẹ em lắm. Mẹ em gây ra cho em những vết thương dường như không thể xóa nhòa, thấy người ta có mẹ để được tâm sự, sẻ chia, được mẹ che chở nhưng em thì không!
Có những hôm ngồi ăn cơm mà bị chửi nuốt miếng cơm mà em đau đớn, nhục nhã, em muốn bỏ nhà đi cho xong nhưng em không muốn mang tiếng là đứa hư hỏng. Em phải nhịn nhục.
Em cũng được nhiều bạn trai thích, điều này cũng làm má em chửi và sỉ nhục em. Em không ăn cơm thì bảo là ra đường trai cho tiền ăn, rồi em ngậm đắng miệng nuốt cơn đau vào tim. Bây giờ thực sự em không chịu nổi nữa, em đau đầu vì có một người mẹ như thế.
5. Những môi trường thường xảy ra bạo lực trẻ em
* Trong gia đình
Khái niệm: Bạo hành gia đình là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bức bách trong gia đình”.
* Trong nhà trường (học đường)
Bạo lực học đường không chỉ có học sinh nam đánh học sinh nam, mà còn nam đánh nữ, nữ đánh nữ, đánh hội đồng tập thể, hoặc tồi tệ hơn là học sinh đánh thầy cô giáo và ngược lại.
Theo số liệu thống kê đầu năm 2015 của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày.
Trong đó, bình quân cứ hơn 5.000 học sinh thì có 1 vụ đánh nhau, khoảng 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì tội đánh nhau
6. Quy định pháp luật xử lý hành vi bạo lực
6.1. Bộ luật hình sự năm 2015
+ Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
6.2. Nghị định số 144/2013/NĐ- CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em
Điều 5. Vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội;
b) Lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng để trục lợi;
c) Bắt buộc đối tượng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
d) Dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
đ) Xâm hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của đối tượng.
Điều 9. Vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật;
b) Cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật;
c) Cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật;
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể của người khuyết tật;
b) Xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật;
c) Xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Điều 27. Vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng hợp pháp, lành mạnh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em;
b) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
c) Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
d) Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần;
đ) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương tinh thần.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Điều 31. Vi phạm quy định về cấm lăng nhục, chửi, mắng và bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng nhục, chửi, mắng, bắt làm những việc có tính chất xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em vi phạm pháp luật.