Việc phân loại rác tại nguồn sẽ là một hoạt động khả thi khi có sự đồng nhất của các khâu: xả thải - phân loại - thu gom - xử lý. Ngoài sự tham gia tích cực của người dân; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các ban ngành thì cần phải có sự giám sát của Ban giám sát cùng với một kế hoạch giám sát thích hợp, xuyên suốt các quá trình như: phân loại rác từ các hộ gia đình; bỏ rác, thu gom rác tại các điểm tập kết, điểm trung chuyển rác… đồng thời, cần phải có các phương án duy trì tính hiệu quả để tạo thành thói quen cho người dân. Cụ thể:
* Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Là các loại rác vô cơ có thể tái sử dụng hoặc tái chế như: Chai lọ nhựa, thủy tinh sạch có thể tái sử dụng hoặc bán phế liệu, các loại giấy sạch, sắt thép phế liệu, vỏ các hộp sữa rửa sạch...
- Đối với hộ gia đình, cá nhân: tự xử lý đối với rác có thể tái chế hoặc bán phế liệu. Chỉ thu gom rác vô cơ và hữu cơ ra điểm chung chuyển rác thải.
- Đối với nơi công cộng
Tại nơi công cộng như các thôn, xóm bố trí các bể chứa rác hoặc thùng rác to (cũng được phân loại thành 2 loại là rác hữu cơ và rác vô cơ). Nếu bố trí được diện tích và nhân lực sẽ tiến hành ủ phân ngay tại nơi công cộng.
Chất thải thực phẩm (Rác hữu cơ): Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả, trái cây, bã trà, cà phê, cỏ, lá cây,… Những rác thải này sẽ được đem đi chế tạo thành phân bón. Có rất nhiều rác thải hữu cơ như:
- Phế thải nông nghiệp: Như rơm, rạ, thân, cành hoặc lá cây không có giá trị sử dụng hoặc ít có giá trị
- Các loại rác thải là những nguyên liệu công nghiệp như: Vỏ cà phê, bã mía, vỏ lạc,…
- Phế thải từ những hoạt động chế biến tinh bột.
- Thực phẩm đã bị hỏng hoặc thức ăn thừa: Như rau củ quả, thịt, cá, trứng,…
- Xác các loại động vật
Hình 1. Rác hữu cơ
* Chất thải nguy hại: pin, ắc quy thải bỏ, các loại hóa chất hết hạn sử dụng.....
* Rác vô cơ: túi ni lông, đồ nhựa, sành, thủy tinh, bao bì chứa kem đánh răng, các loại mắm, muối không thể tái sử dụng, xương động vật, đồ chơi, quần áo cũ, xỉ than...
Hình 2. Rác vô cơ và các loại rác có thể tái chế
HƯỚNG DẪN XỬ LÝ RÁC HỮU CƠ
1. Hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, tổ chức (tại khu vực không có hoạt động thu gom rác hữu cơ):
Mỗi hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp tận dụng từ 1-2m2 đất trong khuôn viên của gia đình, tổ chức, doanh nghiệp để đào hố hoặc trên mặt đất trống, hoặc ủ ngoài đồng ruộng để xử lý rác thải hữu cơ phát sinh hàng ngày.
Cách xử lý như sau:
- Đối với hộ gia đình lượng rác thải hữu cơ hàng ngày tương đối nhỏ, đào hố kích thước hố: dài x rộng x sâu là 1m x 1m x1,2m, phần nhô lên mặt đất cao khoảng 0,2m, hố có lắp đậy đảm bảo để tránh nước mưa tràn vào, và tránh côn trùng xâm nhập. Tùy từng điều kiện gia đình có thể đào kích thước hố to hoặc nhỏ hơn và có bổ sung chế phẩm sinh học (Emuniv) hoặc men vi sinh tự làm theo hướng dẫn tạo vi sinh tại mục dưới để giảm mùi và tăng mức độ phân hủy của vi sinh vật.
- Đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình phát sinh lượng chất thải hữu cơ với quy mô lớn có thể Ủ trên mặt đất bằng hoặc dốc, là nơi râm mát có mái che
Hình 3. Đào hố hoặc ủ trên mặt đất trống
* Các bước thực hiện để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình (thực hiện 1 lần với khối lượng rác lớn) như sau:
Áp dụng với các hộ gia đình có diện tích, có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm (phát sinh lượng chất thải hữu cơ lớn)
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu (có thể phối trộn thêm một số thành phần khác như sau)
Thứ nhất là dụng cụ: Bình ô doa, xẻng, cào, dao băm, găng tay, khẩu trang, ủng…
Thứ 2 là Men vi sinh: 1 gói men 200g hòa 20l nước (phun cho 1 tấn nguyên liệu).
Thứ 3 là Nguyên liệu: Ngoài rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động sinh hoạt từ các hộ gia đình có thể bổ sung thêm rơm, bèo (kích thước nên nhỏ hơn 8cm - khoảng nửa gang tay: Trộn 2 tạ rơm + 6 tạ bèo), phân gia súc, gia cầm.
Một số nguyên liệu bổ sung giúp tăng cường chất dinh dưỡng và khả năng phân hủy của chất hữu cơ: Rỉ đường + 6 kg urê + 8 kg lân (nếu có).
Bước 2: Phương pháp tiến hành
+ Cho 1/4 số nguyên liệu vào vừa đảo vừa tưới 1/4 dung dịch men vi sinh
+ 3 phần còn lại làm tương tự và vun thành đống.
+ Phủ kín nilon lên đống ủ.
Bước 3: Theo dõi và kiểm tra
- Luôn giữ độ ẩm (50 - 60%). Nếu thấy phân quá khô thêm nước, nếu quá ướt bổ sung đất bột khô sau đó trộn đều.
- Nhiệt độ đống ủ không quá 600C (Nếu sờ bên ngoài đống ủ thấy nóng hơi dát tay).
Chúng ta có thể kiểm tra chất lượng phân bằng cách quan sát màu sắc của phân: Màu đen hoặc nâu sẫm
Mùi: phân không còn mùi hôi, thối, hay còn mùi hôi nhẹ là đạt tiêu chuẩn. Nếu còn mùi hôi, thêm men (hòa nước ¼ gói men vào nước), che bạt, kiểm tra sau 1 tuần.
* Đối với rác hữu cơ hàng ngày: Sử dụng hố đào trong vườn hoặc thiết bị ủ rác hữu cơ (thùng có nắp đậy nhưng phải thiết kế có hệ thống thoát nước rỉ rác):
Hàng ngày đổ rác hữu cơ vào vào hố đào hoặc thiết bị ủ rác, bổ sung chế phẩm vi sinh
Hình 4. Thiết bị ủ rác tại hộ gia đình
Lưu ý: Sau 30-40 ngày, có thể sử dụng phân vi sinh. Phân hữu cơ vi sinh nên dùng để bón lót cho cây trồng ở giai đoạn làm đất. Trong canh tác, phân vi sinh có tác dụng thay thế một phần phân vô cơ bón cho cây trồng, mặt khác khống chế được bệnh thối đen rễ lúa. Phân vi sinh còn có tác dụng cải tạo đất, giữ cho đất ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè; kiểm soát được cỏ dại và sâu bệnh.